RFID tại Việt Nam: Truy nguyên nguồn gốc nông sản
RFID tại Việt Nam: Truy nguyên nguồn gốc nông sản Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa nên các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, đặc biệt là hoa quả, thủy sản tôm cá rất phong phú... Tuy nhiên, việc theo dõi sự phát triển, chăm sóc chất lượng sản phẩm mới dừng ở chỗ mua giống tốt, phân bón và các loại thuốc kích thích tăng trưởng...
Ngày nay, nhu cầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, vận chuyển nông sản có rất nhiều triển vọng và thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu... Khi tham gia vào thị trường toàn cầu WTO, các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ cũng như châu Âu luôn là thị trường lớn của Việt Nam. Và họ có những tiêu chuẩn bắt buộc riêng để đảm bảo chất lượng nông sản và sức khỏe của người sử dụng như các tiêu chuẩn an toàn GLOBALGAP, TNC (Tesco Nature’s Choice)...
Để đáp ứng phần nào các tiêu chuẩn quốc tế này, cây trồng, hoa quả cần được sự quan tâm chăm sóc theo dạng chuỗi (chain). Nhà nông còn cần theo dõi quá trình phát triển của cây từ khâu chọn giống, bón phân, tưới nước, kiểm tra sâu bệnh để có các biện pháp phòng tránh, đảm bảo khả năng cho hoa, trái cây đạt chất lượng như mong muốn và tạo niềm tin cho người dùng cũng như đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường nói trên.
Hệ thống RFID gồm: thẻ, bộ đọc thẻ, máy chủ, phần mềm lớp giữa (middleware) và phần mềm ứng dụng. Loại thiết bị này cho phép cây trồng “giao tiếp” với nông dân: giúp cho người nông dân biết thông tin chúng đang thiếu và cần gì (nước, phân bón), kiểm soát sâu bệnh cho cây... |
Điểm mấu chốt của công nghệ này là kỹ thuật truy nguyên nguồn gốc hàng hóa (Trace Core) ứng dụng chip xác thực bằng tần số (Radio Frenquency Identifycation - RFID). RFID là công nghệ nhận dạng tự động thông qua bộ phát tần số siêu nhỏ có khả năng lưu trữ và nhận dữ liệu từ xa bằng các thiết bị thẻ RFID (tag) đang được các tập đoàn siêu thị lớn ứng dụng , quản lý .
Bà Lê Tấn Thị Việt Thanh, giám đốc công ty TNHH Bảo Thanh (thương hiệu Ticay), đơn vị chuyên xuất khẩu trái cây cho các thị trường châu Âu, Mỹ, Canada , Nhật cho biết, hiện ở Việt Nam chưa có đơn vị cung cấp giải pháp Trace Core cho nhà nông. Đây là giải pháp tiên tiến, rất cần thiết cho bà con nông dân và càng có ý nghĩa cho những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Ticay. Trace Core cho phép theo dõi quá trình phát triển cây trồng, sản xuất trái cây, quá trình vận chuyển xuất khẩu hàng hóa đi các nước. Cụ thể như cả người bán và người mua đều có thể theo dõi: Nguồn gốc sản phẩm; Đóng gói và bảo quản; Phương tiện vận chuyển; Số lượng và thời gian (thời gian bảo quản trái cây tươi có giá trị rất lớn!); Kiểm soát rủi ro trong quá trình vận chuyển cũng như xác định rõ, dự báo những nguyên nhân rủi ro, tránh tổn thất và tạo niềm tin đối với khách hàng.
Hầu hết doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản Việt Nam chưa quan tâm đến yếu tố này mặc dù, sản phẩm trái cây của Việt Nam được đánh giá rất cao. Trước mắt, công ty Bảo Thanh đã và đang xây dựng website có các file mẫu kèm hướng dẫn cho bà con nông dân thu thập dữ liệu theo dõi chất lượng trái cây tươi xuất khẩu. Website này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm tại trang trại Ticay (đến đầu năm 2010 sẽ đánh giá kết quả). Trang trại Ticay cũng đã áp dụng phương pháp truy nguyên này, đồng thời theo dõi việc chăm sóc, tưới cây, bón phân sao cho vừa đủ, tránh lãng phí tài nguyên và đảm bảo chất lượng, đủ dinh dưỡng (ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ... ) cho cây trồng.